Giới thiệu khoa Công nghệ May và Thiết kế thời trang
KHOA CÔNG NGHỆ MAY & THIẾT KẾ THỜI TRANG
Khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang (CNM&TKTT) được thành lập ngày 01/10/2003. Khoa có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Dệt, May và Thời trang; và các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Các mốc lịch sử
Năm 2003: Tuyển sinh trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ May.
Năm 2005: Tuyển sinh trình độ Cao đẳng 2 ngành Công nghệ May và Thiết kế Thời trang.
Năm 2009: Tuyển sinh trình độ Đại học 2 ngành Công nghệ May và Thiết kế Thời trang.
Năm 2019: Tuyển sinh 03 ngành trình độ đại học gồm Công nghệ Dệt, May; Công nghệ vật liệu dệt may và Thiết kế Thời trang;
Tuyển sinh 01 ngành trình độ Thạc sĩ Công nghệ dệt, may.
Năm 2025: Tuyển sinh 03 ngành trình độ đại học gồm Công nghệ Dệt, May; Công nghệ vật liệu dệt may và Thiết kế Thời trang;
Tuyển sinh 01 ngành trình độ Thạc sĩ Công nghệ dệt, may.
Tuyển sinh 01 ngành trình độ Tiến sĩ Công nghệ dệt, may.
Hiện nay, Khoa CNM&TKTT có gần 1200 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đang theo học.
Sứ mạng
Khoa CNM&TKTT đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và chuyển giao tri thức theo định hướng ứng dụng trong lĩnh vực Công nghệ Dệt, May và Thời trang đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần phát triển đất nước.
Tầm nhìn
Khoa CNM&TKTT trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ứng dụng đạt chuẩn quốc gia; hướng tới chuẩn quốc tế; là sự lựa chọn hàng đầu của người học, doanh nghiệp và cộng đồng trong lĩnh vực Công nghệ dệt, may; Thiết kế thời trang và Công nghệ vật liệu dệt, may.
Định hướng phát triển
Trong những năm qua, khoa đã đào tạo và cung cấp hàng nghìn lao động kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp ngành Dệt, May và Thời trang. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường các năm đạt trung bình từ 90 – 95%, trên 80% trong số đó làm theo đúng ngành nghề được đào tạo. Các doanh nghiệp đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực tự chủ, chịu trách nhiệm của sinh viên tốt nghiệp. Nhiều cựu sinh viên của khoa đang là chủ doanh nghiệp hoặc làm việc tại những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp.
Khoa CNM & TKTT xác định đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và NCKH là những yếu tố hàng đầu góp phần quyết định chất lượng đào tạo và NCKH của CBGV và học viên, sinh viên trong khoa.
Trong những năm qua, Khoa đã tập trung thực hiện các công tác:
Khoa CN May & TKTT hiện có 31 cán bộ, giảng viên gồm: 02 PGS. TS, 7 TS và 22 thạc sĩ. Công tác đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên được đặc biệt quan tâm và thực hiện với nhiều hình thức.
Các chương trình đào tạo tại khoa CNM&TKTT được xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO, đáp ứng tiêu chuẩn ABET và được rà soát, cập nhật, chỉnh sửa thường xuyên. Giảng viên trong khoa có kinh nghiệm thực tế làm việc trong doanh nghiệp dệt, may và thời trang và xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Hàng năm, khoa lấy ý kiến của các bên liên quan như người học, cựu người học, doanh nghiệp dệt may và thời trang, chuyên gia trong ngành,… để hoàn thiện chương trình đào tạo. 3 chương trình đào tạo đại học và 01 chương trình đào tạo thạc sĩ tại khoa đã được kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia.
Trên 40 Giáo trình, tài liệu tham khảo, bài giảng kết hợp được biên soạn cho hầu hết các học phần trong chương trình đào tạo để phục vụ việc học tập của người học.
Khoa CNM & TKTT hướng nghiệp cho người học bằng nhiều hình thức:
+ Giới thiệu ngành nghề: Tổ chức tọa đàm và giới thiệu về ngành nghề cho sinh viên; mời đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành dệt, may và thời trang chia xẻ với sinh viên về kinh nghiệm nghề nghiệp, cơ hội việc làm, những kiến thức, kỹ năng, năng lực cần có để phát triển.
+ Thăm quan, kiến tập, thực tập: Tổ chức cho học viên, sinh viên thăm quan các doanh nghiệp dệt, may và thời trang; thực tập sản xuất, thực tập các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, nghiên cứu ứng dụng tại nhà máy trong quá trình đào tạo để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, xây dựng năng lực tự chủ nghề nghiệp, và hoàn thành mục tiêu học tập một cách chủ động và hiệu quả. Khoa CNM&TKTT hợp tác với trên 40 doanh nghiệp dệt, may và thời trang để người học có thể tiếp cận thực tế về nghề nghiệp tại các vị trí việc làm,... Đặc biệt, người học được rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức, trách nhiệm và kỷ luật lao động, mở rộng cơ hội có việc làm, thăng tiến phù hợp cho học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
+ Nuôi dưỡng sự yêu thích, đam mê nghề nghiệp cho người học: Trong quá trình giảng dạy và NCKH, giảng viên của khoa chú trọng việc truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho người học, hướng dẫn cho học viên, sinh viên phương pháp học, phương pháp tự nghiên cứu hiệu quả để giúp người học đạt kết quả tốt và từng bước thành công nghề nghiệp.
+ Các hoạt động phong trào ngoại khóa và phục vụ cộng đồng: Hàng năm, Khoa và Liên chi đoàn, liên chi hội sinh viên tổ chức nhiều hoạt động phong trào thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật kết hợp với hoạt động chuyên môn, để tạo sân chơi lành mạnh như tổ chức các cuộc thi HSSV giỏi nghề, thi Thiết kế Thời trang, giải bóng đá, Chương trình Xuân yêu thương,.... để người học có cơ hội rèn luyện và phát triển toàn diện. Các CBGV và học viên, sinh viên của khoa cũng tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng thông qua Mùa hè xanh, Hỗ trợ mùa thi,…
Trong những năm qua, khoa CNM&TKTT đã thực hiện và nghiệm thu nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, và cấp trường cũng như đề tài SV NCKH. Các nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất ngành dệt may và thời trang mang giá trị thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Nhiều bài báo khoa học của giảng viên và người học trong Khoa đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Nhà trường, Khoa có hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học nước ngoài như:
+ Công ty lục Hợp Sinh, Bắc Kinh, Trung Quốc trong dự án HaUI- Modasoft “Nghiên cứu, ứng dụng và Việt hóa phần mềm Modasoft” trong ngành May – Thời trang.
+ Tổ chức Batik (CH Pháp) trong khuôn khổ hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho đội ngũ Giảng viên ngành Thiết kế Thời trang.
+ Intermark International Design College – IntermarkShanghai,
+ Trường đại học Công nghệ Kwantlen (KPU) Canada.
+ Trao đổi với một số trường Đại học nước ngoài: Đại học Đông Hoa (Thượng Hải); Đại học Jungwon (Hàn Quốc), Học viện thời trang cao cấp Napoli (Italia),....
+ Công ty phần mềm LECTRA (CH Pháp) cung cấp phần mềm bản quyền chuyên ngành May và Thời trang phục vụ công tác đào tạo.
PGS. TS Nguyễn Thị Lệ
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.