Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường Khoa Công nghệ May và Thiết kế thời trang
Chiều ngày 5/12/2019, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường Khoa Công nghệ May và Thiết kế thời trang, với đề tài “ Xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể nữ sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) để ứng dụng thiết kế quần áo” - Chủ nhiệm đề tài: Ths, Phạm Thị Huyền.
Nhóm tác giả đã giải quyết các nội dung: Tổng quan tình hình nghiên cứu nhân trắc để xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể trên Thế giới và Việt Nam, Ứng dụng phần mềm mô hình 3D mô phỏng quần áo; Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu; Từ đó đưa ra kết quả khảo sát nhân trắc nữ sinh.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng nhà trường – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu
Trên cơ sở nghiên cứu việc xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể nữ sinh trong trường ĐHCNHN để thiết kế quần áo, đề tài hướng tới mục tiêu xây dựng bảng hệ thống cỡ số cơ thể nữ sinh ĐHCNHN từ đó thiết lập ngân hàng manocanh ảo trên phần mềm 3D để mô phỏng, thử sửa một số sản phẩm cho nữ sinh như quần áo đồng phục, bảo hộ vừa vặn, phù hợp với dáng người. Đề tài còn hướng tới mục tiêu làm tăng giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí cũng như thời gian chế tạo sản phẩm; cũng như đây sẽ là cơ sở dữ liệu để phục vụ một số môn học thiết kế trang phục và sản xuất quần áo đồng phục, bảo hộ cho nữ sinh trong trường.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính lý luận và thực tiễn của đề tài
Đề tài sử dụng phương pháp thống kê cắt ngang để tiến hành nghiên cứu các kích thước cần thiết trong việc xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể, qua đó thiết lập phiếu đo, bản đo phù hợp. Đo trực tiếp 32 số đo nhân trắc ở tư thế đứng chuẩn, từ đó xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu đo của 198 nữ sinh trường ĐHCNHN. Đề tài cũng sử dụng phần mềm SPSS 22.0 và Excel 2016 để tiến hành xác định các đặc trưng thống kê, hệ số tương quan giữa các kích thước; phân tích thành phần; xác định kích thước chủ đạo; xác định mối tương quan giữa kích thước thứ cấp với các kích thước chủ đạo. Từ đó xây dựng được 11 cỡ số theo 4 nhóm chiều cao, tạo được ngân hàng manocanh ảo dùng cho việc kiểm tra và đánh giá mẫu thiết kế trên phầm mềm PDS Optitex 19 trước khi may thành mẫu thực.
Th.s Phạm Thị Huyền trình bày đề tài trước Hội đồng nghiệm thu
Đề tài có thể được phát triển để nghiên cứu sâu hơn nhằm xây dựng hệ thống cỡ số cho quần áo, xác định lượng dư cử động cho trang phục và cũng để đánh gia hệ cỡ số đã xây dựng. Và đây là tài liệu có ý nghĩa khoa học, thực tiễn trong học tập, giảng dạy và thiết kế trang phục trong sản xuất quần áo.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính thực tiễn và cấp thiết cao, đáp ứng được nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Thứ Sáu, 13:26 06/12/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.