Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Nghiệm thu giáo trình Công nghệ và thiết bị tiền xử lý
14h ngày 06/01/2023 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu giáo trình “Công nghệ và Thiết bị tiền xử lý” cấp trường tại phòng họp tầng 4, nhà A1.
Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nền công nghiệp Việt Nam. Một trong số những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển ngành Dệt may giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2035 phải định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng vải dệt, nâng tỉ lệ vải nội địa cung cấp cho may xuất khẩu.
Trong quá trình sản xuất vải dệt, công đoạn tiền xử lý vải có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của vải trong các công đoạn nhuộm, in hoa. Việc phát triển, ứng dụng công nghệ và thiết bị vào trong công đoạn tiền xử lý vải là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu để nâng cao chất lượng vải.
Hội đồng thẩm định nghiệm thu giáo trình “Công nghệ và Thiết bị tiền xử lý” theo QĐ số 1550/QĐ-ĐHCN ngày 27/12/2022 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng; ThS. Nguyễn Trọng Tuấn - Ủy viên phản biện 1; TS. Chu Diệu Hương – Trường ĐHBNHN Ủy viên phản biện 2; TS. Nguyễn Thi Thảo Trường ĐHKT- KTCNHN- Ủy viên. ThS. Trịnh Thị Thu Hương - Ủy viên, Thư ký.
Nhóm biên soạn giáo trình gồm: TS. Lưu Thị Tho – Chủ biên giáo trình và ThS. Nguyễn Thị Mai và ThS. Nguyễn Văn Hải.
Tại buổi nghiệm thu, nhóm biên soạn đã trình bày tóm tắt các nội dung chính của giáo trình, gồm 5 chương:
Chương 1: Công nghệ tiền xử lý vải sợi bông và sợi libe do TS. Lưu Thị Tho biên soạn.
Chương 2: Công nghệ tiền xử lý vải có nguồn gốc Protein do TS. Lưu Thị Tho biên soạn.
Chương 3: Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi nhân tạo, vải từ sợi tổng hợp và vải từ sợi pha do TS. Lưu Thị Tho biên soạn.
Chương 4: Thiết bị tiền xử lý do TS. Lưu Thị Tho và ThS. Nguyễn Văn Hải biên soạn
Chương 5: Một số bài thực hành tiền xử lý do TS. Lưu Thị Tho và ThS. Nguyễn Thị Mai biên soạn
Giáo trình đề cập tới công nghệ tiền xử lý vải sợi bông: Chuẩn bị vải mộc, công nghệ đốt đầu xơ, công nghệ rũ hồ, công nghệ làm bóng, công nghệ nấu tẩy; Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi libe: Đặc điểm vải từ sợi libe, công nghệ tiền xử lý, thiết bị xử lý vải từ sợi libe; Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi len; Công nghệ tiền xử lý vải từ tơ tằm; Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi nhân tạo; Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi tổng hợp; Công nghệ tiền xử lý vải từ sợi pha; Thiết bị: Đốt đầu xơ, rũ hồ, làm bóng, nấu tẩy và một số abif thực hành.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá nội dung của giáo trình phù hợp với đề cương chi tiết học phần trình độ đào tạo hệ Đại học, đáp ứng được chuẩn đầu ra; đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nội dung cơ bản đảm bảo tính hệ thống, thống nhất theo mục tiêu, chương trình đào tạo đã được phê duyệt, đảm bảo tính liên thông. Kiến thức trong giáo trình đầy đủ, phù hợp với đề cương chi tiết học phần, sát với thực tiễn sản xuất và cập nhật. Giáo trình có cấu trúc phù hợp, tuân thủ các quy định của Nhà trường. Giáo trình có tài liệu tham khảo phù hợp, tin cậy.
Cuốn giáo trình “Công nghệ và Thiết bị tiền xử lý” được xuất bản không chỉ nhằm sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho giảng viên, học tập cho sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu dệt, may mà còn dùng làm tài liệu tham khảo cho các cán bộ kỹ thuật và quản lý chuyên ngành hóa dệt. Giáo trình được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt và nhóm tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện theo góp ý chi tiết của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.
Một số hình ảnh của buổi nghiệm thu giáo trình:
Tác giả : Lưu Thị Tho
Thứ Bảy, 10:33 07/01/2023
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.